Mọi thắc mắc xin vui lòng liên hệ: Mrs. Dung: 0982.661.404
QL 91, Mỹ Phó, Vĩnh Mỹ,
Châu Phú, Châu Đốc - An Giang
Email 1 : VanHuongMai@gmail.com
Email 2 : VanHuongMai2009@gmail.com
SDT : (0763) 647 455
- Miếu bà Chúa Xứ núi Sam là một trong bốn di tích lớn được nhà nước công nhận tại khu vực núi Sam thành phố Châu Đốc.
- Trãi qua hơn 200 năm tồn tại và phát triển, từ ngôi miếu nhỏ đơn sơn từ tre lá, ít người lai vãng, nay trở thành một ngôi miếu nguy nga, đồ sộ, hang đêm rực rỡ ánh đèn.
- Lễ hội Vía bà Chúa Xứ núi Sam được công nhận là Lễ Hội cấp Quốc gia từ năm 2001. Hàng năm thu hút khoảng 3 triệu lượt khách trong và ngoài nước hành hương, tham quan và mua sắm.
- Nhằm hiểu rõ hơn về Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam, tôi muốn giới thiệu đến toàn thể quý vị một cái nhìn toàn cảnh về Lễ hội cũng như những lợi ích mà Lễ hội mang đến cho thành phố chúng ta.
1. Sơ lược núi Sam
- Núi Sam: Thuộc xã Vĩnh Tế (nay là Phường núi Sam), là một làng mang nhiều nét đặc thù ở vùng biên thùy Tây Nam Bộ, có núi có sông, có đồng bằng bát ngát và nhiều di tích, thắng cảnh. Trước mặt có sông, bốn phía được bao bọc bởi đồng bằng đầy ắp phù sa.
- Theo các tài liệu nghiên cứu, từ thuở xa xưa vùng đất này là biển cả, qua hang nghìn năm phù sa lấn dần tạo nên hình con sam.
- Núi Sam cao khoảng 230m, chu vi 5000m, cách trung tâm thành phố Châu Đốc 5km. Núi Sam có nhiều thắng cảnh nổi tiếng như: Pháo Đài, vườn tao ngộ, đồi bạch vân… Đặc biệt, dưới chân núi Sam là một quần thể, di tích lịch sử được xếp hang cấp quốc gia như: Lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Tây An, miếu Bà Chúa Xứ, chùa Hang (Phước Điền tự). Trong đó miếu bà chúa xứ đồ sộ, nguy nga, nổi tiếng linh thiêng, hang năm thu hút hơn 3 triệu lượt người đến tham quan, chiêm bái, tạo nên mùa lễ hội Vía Bà sôi nổi kéo dài từ tháng Giêng đến năm âm lịch. Năm 2001, lễ hội vía bà chúa xứ núi sam đã được công nhận là lễ hội cấp quốc gia.
2. Quá trình thành lập Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam
- Trong dan gian lưu truyền rằng cách đây 200 năm có một bọn quấy nhiễu biên giới đến núi sam gặp tượng bà ở gần trên đỉnh. Chúng nổi lòng tham, tìm cách đem đi nhưng chỉ xê dịch được một đoạn nên tức giận đập phá làm gãy cánh tay trái của pho tượng. Sauk hi chúng bỏ đi, dân làng với lòng tín ngưỡng đã huy động hang tram người lực lưỡng lên đưa tượng xuống núi để phụng thờ, nhưng cũng không lay chuyển được. Bà bèn đạp đồng cho một người phụ nữ xưng là chúa xứ thánh mẫu, mách cho dân làng biết rằng muốn đem bà xuống núi chỉ cần 9 cô gái đồng trinh.
- Quả thật, khi 9 cô gái đồng trinh đến khiêng thì tượng Bà trở nên nhẹ nhàng, đem xuống dễ dàng. Đến chố miếu Bà tọa lạc hiện nay, tượng bổng nặng trịch, không nhấc lên được nữa. Dân làng nghĩ rằng bà muốn ngự tại đây nên lập miếu thờ, vào khoảng năm 1820 – 1825 ( tức khoảng thời gian Ông Thoại Ngọc Hầu lãnh đạo nhân dân và binh lính đào kênh vĩnh tế).
- Ban đầu miếu được xây dựng đơn sơ bằng tre lá, nằm trên vùng đất trũng phía tây bắc núi Sam, lưng quay về vách núi, chánh điện nhìn ra con đường làng và cánh đồng bát ngát. Trãi qua nhiều lần trùng tu, miếu càng ngày càng khang trang như ngày nay.
- Năm 1870, miếu được xây dựng bằng gạch hồ ô dước, bắt đầu thu hút khách thập phương đến cúng viếng. Đến năm 1870 miếu được xây dựng đồ sộ như ngày nay
3. Tượng Bà và các truyền thuyết, giai thoại
- Nguồn gốc tượng Bà Chúa Xứ đến nay vẫn còn là một điều bí ẩn. Theo diễn giải của các vị bô lão, tượng Bà xưa kia ngự trên đỉnh núi Sam, gần Pháo Đài. Chứng minh cho điều này là bệ đá Bà vẫn còn tồn tại và ngày nay được bảo vệ như một chứng tích. Có người nói rằng cách đây mấy ngàn năm vùng đất này là biển cả và núi Sam là hòn, tượng Bà được di chuyển đến bằng thuyền nên đặt trên núi là hợp lý.
- Tượng Bà cao khoảng 1m65. Theo nhà khảo cổ học người Pháp là Malleret đến nghiên cứu vào năm 1941, tượng bà thuộc loại tượng thần Visnu, tạc dáng người ngồi nghĩ ngơi quý phái vương giả. Chất lượng bằng đá son, có giá trị nghệ thuật cao, được tạc vào cuối thế kỷ thứ VI.
- Trước kia người ta cho rằng tượng Bà không thể ghi ảnh hay quay phim được. Nhiều người đã lén đến chụp nhưng rọi ra chỉ hiện lên một vệt trắng. Ngày nay, trong một số sách báo đã trân trọng in ảnh Bà. Ban quản trị cấm du khách chụp ảnh Bà để tránh trường hợp bị kẻ xấu lợi dụng ảnh Bà để buôn thần bán thánh.
- Các cụ bô lão kể lại rằng vào năm 1941, trong lúc thực dân Pháp còn đô hộ nước ta, vào một ngày đầu thu, có một người Pháp cùng thư ký vào miếu tự tiện cởi áo Bà ghi chép và phát họa tượng Bà. Bà từ không dám ngăn cản, vội chạy đi báo cáo với ông Hương Cả Phạm Văn Hảnh. Nghe tin, ông Cả Hảnh liền đến Miếu và ra lệnh cho Bà từ mặt áo lại cho Bà chỉnh tề rồi quay sang làm việc với hai người khách lạ. Đến lúc ấy, người Pháp trình giấy của Chánh tham biện tỉnh Châu Đốc giới thiệu ông Malleret là nhà khảo cổ đi sưu tầm, phát hiện cổ vật còn tiềm ẩn ở vùng này.
- Ông Hương Cả Hảnh nhận giấy giới thiệu nhưng tỏ thái độ không hài long, phê bình việc làm phạm thượng của ông Malleret. Nghe qua sự ngưỡng vọng tôn kính của dân làng địa phương và các vùng lân cận đối với bà chúa xứ, ông Malleret từ tức giận chuyển sang bối rối, sợ sệt, và hỏi ý kiến ông Hương Cả giờ phải làm sao. Ông Cả Hảnh bảo Malleret cứ về trình lại với chánh tham biện (tỉnh trưởng) rồi sẽ gặp nhau giải quyết sau. Chiều hôm ấy, hai người Pháp là Gauthier, Chánh tham biện Châu đốc và Malleret, chủ tịch hội khảo cổ Hà Nội đi xe con đến nhà Hương Cả Hãnh để thương lượng và cuối cùng đi đến kết luận: để chuộc lại lỗi lầm tự ý cởi áo Bà, 2 ông tổ chức lễ tạ tội và cúng Bà một con heo, một mâm xôi. Ông Malleret theo đọa công giáo khoobg biết lạy nên phải đứng nghiêm trước tượng Bà trong tiếng nhạc lễ cổ truyền. bà con trong vùng đến dự lễ tạ tội này rất đông, điều đó nói lên sự uy nghiêm của Bà Chúa Xứ.
4. Lễ hội và nghi thức
- Sau khi thành lập, miếu có người trông coi hương khói gọi là Từ, các lễ cúng vía hàng năm vẫn còn đơn sơ ít người lui tới. Năm 1870, Miếu được trùng tu khang trang, rộng lớn hơn, thu hút lòng tin của dân địa phương, các nghi lễ cúng lệ hang năm, do các hương chức trong làng đảm nhiệm, theo nghi thức cổ truyền và dần dần hoàn thiện như ngày nay.
a. Những lễ chính:
- Theo thông lệ lễ Vía Bà Chúa Xứ núi Sam được tổ chức từ ngày 23-27 tháng 4 âm lịch, ngày vía chính là ngày 25/04 âm lịch. Thời gian được chọn làm ngày vía Bà được giải thích là ngày tượng Bà an vị sau khi khiêng từ trên núi xuống.
- Ngày nay, các nghi thức cúng tế vẫn duy trì theo cổ lệ do ban quản trị và một số bô lão trong làng làm chủ lễ, ngoại trừ một số chi tiết phụ do không còn thích hợp nên dần bị xóa bỏ. Vào ngày 10/03 âm lịch hang năm, Ban quản trị họp để bầu chọn rất cẩn thận, tuân theo các nghi thức sau đây:
Đối với chánh tế:
- Ngoài 60 tuổi và vẫn còn khỏe mạnh
- Còn đủ vợ đủ chồng không tang chế
- Con cái đồng đủ trai đủ gái
- Đạo đức tốt
Chương trình lễ Vía Bà được tiến hành theo trình tự như sau:
- Lễ tắm Bà: cử hành vào đêm 23 rạng 24/04 âm lịch lúc 00h00
- Lễ thỉnh sắc: Cử hành lúc 15h00 25/04 âm lịch
- Lễ túc yết: cử hành vào đêm 25 rạng 26/04 âm lịch lúc 00h00
- Lễ xây chầu: cử hành ngay sau lễ túc yết
- Lễ chánh tế: được tổ chức vào lúc 04h00 sáng ngày 27/04 âm lịch.
- Lễ hồi sắc: là lễ sau cùng, chấm dứt mọi nghi thức cúng theo cổ lệ nhân dịp Vía Bà Chúa Xứ núi sam.
b. Những hủ tục:
- Xung quanh Lễ Vía Bà còn có những hủ tục như: Xin xăm, vay tiền, đeo khăn Bà…một thời được nhiều người tin tưởng. Hiện nay không còn nữa, nhưng cũng xin nhắc lại để hiểu về nhu cầu của cuộc sống tin thần của người dân thời bấy giờ.
- Khăn bùa Bà: Khởi thủy là áo choàng đỏ mặc trên tượng Bà, khi hết năm, sau lễ tắm Bà, người ta tháo ra thay áo choàng mới. Áo cũ được xé ra làm nhiều mảnh với kích thước ngang khoảng 2 phần dài khoảng vài tấc, cho những ai có lòng tin “thỉnh” về cho trẻ em, người lớn “mang” lộc cho Bà mà khỏe mạnh, tránh nhiều bệnh tật.
- Xin xăm Bà: Dụng cụ gồm một ống tre to, được cưa thành từng đoạn theo mắt tre. Một đầu mở rộng giữ miệng thẻ săm khỏi rớt. Thẻ săm là những thẻ tre chuốt mỏng đều nhau, có khắc số bằng chữ hán và la-tinh từ 01 – 103. Mỗi thẻ săm có đánh số tương ứng, được in bằng bảng gỗ, mượn điển tích của Trung Quốc để lý giải chuyện tốt, xấu thể hiện trong lá xăm. Ngoài ống xăm, thẻ xăm còn có quả keo. Keo là 2 mảnh danh gỗ tạc giống hình quả thận bổ đôi. Một mặt hình bầu tròn, một mặt phẳng tượng trưng cho âm dương, hoặc dùng 2 đồng xu chấm vôi một mặt để phân biệt âm dương.
- Vay tiền bà: Vay tiề Bà cũng là một nhu cầu của một số người đặt niềm tin và ước mong việc làm ăn sẽ gặp nhiều may mắn.
- Uống nước tắm Bà: Trong đêm 23/04 Al diễn ra lễ tắm Bà, nhiều người đến túc trực bên ngoài mang theo chai, lọ để xin nước tắm Bà về uống hoặc thoa để trị và phòng bệnh, trừ tà. Hủ tục này ngày nay không còn nữa.
c. Lễ hội Quốc gia:
- Lễ khai hội: Thường được tổ chức vào trước đêm lễ tắm Bà, tức là phần trước lễ truyền thống. Chương trình lễ khai hội khá phong phú với các tiết mục: Sân khấu hóa, biểu diễn lân sư rồng, diễu hành xe hoa, ca múa nhạc các dân tộc Kinh, Chăm, Hoa, Khmer rất đặc sắc. Sau phần phát biểu của lãnh đạo địa phương là phần đánh trống khai hội. Tiếp tục là tiết mục sân khấu hóa dựng lại hình tượng thời lưu dân đi mở đất, cuộc sống phát triển và chóng chọi với thú dữ, thiên tai; cảnh dân làng đưa tượng Bà xuống núi... Kết thúc lễ khai hội với hàng chục ngàn người tham dự là màn bắn pháo hoa. Màu sắc lung linh rực rỡ một góc trời, tạo nên không khí sôi nổi, tưng bừng trong dòng người đi lễ hội.
- Lễ phục hiện: Với ý nghĩa tái hiện bối cảnh rước Tượng Bà từ đỉnh Núi Sam về Miếu theo truyền thuyết chín cô gái đồng trinh đưa bà xuống núi, lễ Phục hiện được tổ chức vào buổi sáng sau ngày lễ Khai hội với sự tham dự của trên 2 ngàn diễn viên các đoàn văn nghệ, lân Sư rồng... và hàng ngàn quần chúng địa phương, du khách các nơi về tham gia.
Dòng người rồng rắn xuất phát từ Nhà bia liệt sĩ dưới chân Núi Sam dần dần tiến lên đỉnh núi theo đường Tháp. Khi tốp đầu đến nơi bệ đá đặt tượng Bà làm lễ thỉnh Bà xuống núi thì tốp cuối vẫn còn nối đuôi nhau ở gần chân núi. Một cuộc lễ hoành tráng, sinh động làm phong phú, log trọng thêm những ngày lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam.
5. Những lợi ích, phúc lợi xã hội do Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ mang đến:
- Miếu bà Chúa Xứ Núi Sam thu hút khách thập phương ngày càng đông, số tiền người hành hương chiêm bái, hỉ cúng, đóng góp cho việc trùng tu tôn tạo ngày càng cao. Số tiền này được quản lý ngày càng chặc, công khai, minh bạch. Ngoài việc đầu tư sửa chữa, nâng cấp, xây dựng các công trình của Miếu nhằm phục vụ khách hành hương, các thời kỳ Hội quý tế đã ủng hộ cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ bằng nhiều hình thức như: Tiếp tế tiền, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, chôn cất liệt sĩ, tạo điều kiện ẩn náu cho cán bộ công tác vùng tạm chiến.... Đồng thời sử dụng một phần nguồn thu nhập này vào công tác phúc lợi xã hội, phục vụ cho cuộc sống của con người.
- Trường Trung học Vĩnh Tế: Khởi công xây dựng từ 19/08/1970 hoàn thành ngày 10/04/1972. Khánh thành ngày 05/10/1972, tổng chi phí trên 23 triệu đồng thời bấy giờ. Gồm 16 phòng học, gồm một trệt, hai tầng lầu. Giúp các em học sinh bậc Trung học không còn phải ra Châu Đốc xa xôi.
- Từ năm 1985 đến nay xây dựng trên 50 phòng học ở địa phương. Sửa chữa, nâng cấp các trường ở xã Vĩnh Tế, xây dựng phòng thí nghiệm, thư viện, nhà vệ sinh, nhà giáo viên, dụng cụ dạy nghề cho học sinh.
- Từ năm 1987 đến nay miếu Bà đầu tư rất lớn chi phí làm đường phục vụ việc đi lại cho nhân dân địa phương và du khách. Điển hình như nâng cấp, tráng nhựa, xây kè đá, mương thoát nước cho các con lộ, đường vòng Núi Sam quốc lộ 91 khu vực xã Vĩnh Tế, đường chợ Bến Đá, đường sau miếu lộ tẻ vòng núi Sam.
- Từ năm 1991 đến 1994 tu sửa đường Tháp lên đỉnh núi Sam và xây dựng 4 nhà nghĩ mát trên núi cho du khách nghĩ chân.
- Năm 1990 xây dựng nhà bảo sanh thuộc trạm y tế xã Vĩnh Tế, năm 1993 sửa chữa trạm y tế và mua trang thiết bị tim mạch.
- Năm 1993 xây dựng trạm bơm nước, năm 1994 xây dựng nhà máy nước phục vụ toàn xã. Năm 1994, 1995 xây dựng đường ống nước. Nhờ các công trình này mà nhân dân xã Vĩnh Tế và du khách có nguồn nước sạch hơn để sinh hoạt.
- Phục vụ ánh sáng cho dân trong xã, từ năm 1989 đến 1993 đã hổ trợ cho mạng lưới điện toàn xã. Xây dựng công trình lên đỉnh núi Sam.
- Nhằm giáo dục truyền thống và đền ơn đáp nghĩa những người có công với đất nước, năm 1994 đến 1995 xây dựng đền thờ nhà chiến sĩ Trương Gia mô trên sườn núi Sam. Xây dựng nhà tưởng niệm liệt sĩ xã Vĩnh Tế (nay là nhà bia liệt sĩ phường Núi Sam), xây nhà tình nghĩa...
- Ngoài ra còn nhiều công trình khác: đào kênh bến vựa, đắp đê bao bảo vệ lúa, trồng cây phủ xanh đồi núi Sam, trùng tu các lăng miếu đại phương như: lăng Thoại Ngọc Hầu, miếu Khổng Tử, miếu Âm Nhơn, đình Vĩnh Tế, xây dựng nhà trưng bày...
- Các hoạt động xã hội: đóng góp quỹ khuyến học Thảnh Phố. Từ năm học 2008 đến 2009 đã xây dựng quỹ học bổng Thoại Ngọc Hầu với số tiền mỗi năm là một trăm triệu đồng (riêng năm 2013 đến 2014 là hai trăm triệu đồng). Giúp học sinh nghèo trong Thành Phố, hổ trợ trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ mồ côi Thành Phố Châu đốc, cung cấp gạo, dầu ăn hàng tháng...
- Bên cạnh đó, du khách còn mang đến cho địa phương cơ hội phát triển làng nghề, du lịch. Chính du khách đã góp phần quảng bá mắm Châu Đốc, làng bè trên sông, khô cá tra phồng...Hàng năm, với lượng khách hơn 3 triệu lượt người hàng năm đã thu hút nhiều tiền bạc và cơ hội phát triển cho địa phương.
- Lễ hội vía bà Chúa Xứ Núi Sam là lễ hội mang đậm nét hành hương, tâm linh đặc trưng của Nam Bộ. Lễ hội vía bà Chúa Xứ Núi Sam đang ngày càng chứng tỏ là 1 lễ hội văn hóa dân gian lớn ở Nam Bộ. Mỗi năm thu hút hàng chục vạn khách ở thập phương về hành lễ. Họ đến đây mang theo những ý nguyện, mong cầu Bà Chúa ban phước lộc hoặc gỡ rối nạm kiếp, tai ương...Tạo nên 1 mùa lễ hội sôi nổi, đông đảo ở núi Sam suốt nhiều tháng. Khách về đây không những chỉ sinh lộc của bà mà còn muốn tận mắt được chứng kiến những chứng tích lịch sử dân tộc khác nữa mà cha ông ta đã dày công vun dựng trên vùng đất An Giang hùng vĩ.
- Bên cạnh những thuận lợi do lễ hội mang đến, chúng ta, mỗi người dân địa phương cần chung tay xây dựng 1 khu du lịch văn minh, lịch sự. Vẫn còn đâu dó những hàng quán bán không theo giá niêm yết, vẫn còn đâu đó những người bói toán, xin xâm, bán chim phóng sanh và vẫn còn những hành vi lừa gạt, móc túi khách du lịch. Để môi trường du lịch bền vững, để du khách an tâm và thoải mái đến với lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam, mỗi người dân hãy chung tay vì một môi trường hành hương, du lịch, văn minh, lịch sự và hiếu khách.
TIN LIÊN QUAN